Sửa ngày: 2023-09-11 15:03:52
Ngày ký: 11/9/2023
Ngày hiệu lực: 11/9/2023
Người đăng: Trương Khắc Dũng
Tên file: HUONG-DAN-CHUYEN-DOI-SO-NH-2023-2024.pdf
Kích thước: 595.30 KB
Tải về
UBND HUYỆN TÂN HỒNG PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc |
Số: 1134 /PGDĐT
V/v hướng dẫn công tác chuyển đổi số trong các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, TH-THCS và THCS năm học 2023-2024 trên địa bàn Huyện |
Tân Hồng, ngày 11 tháng 9 năm 2023 |
Kính gửi: – – – |
Hiệu trưởng các trường Mầm non, Mẫu giáo; Hiệu trưởng các trường Tiểu học; Hiệu trưởng các trường TH-THCS và THCS. |
Căn cứ Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;
Thực hiện Kế hoạch số 142-KH/HU ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Huyện; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 15 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban nhân dân Huyện về triển khai thực hiện kế hoạch số 142-KH/HU ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Ban chấp hành Đảng bộ Huyện về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Khóa XI về chuyển đổi số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Ủy ban nhân dân huyện Tân Hồng về việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số ngành Giáo dục huyện Tân Hồng; Kế hoạch số 871/KH-PGDĐT ngày 09 tháng 6 năm 2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng về việc khai đề án chuyển đổi số ngành Giáo dục huyện Tân Hồng năm 2023.
Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác chuyển đổi số trong các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, TH-THCS và THCS năm học 2023-2024 như sau:
- Nhiệm vụ chung
– Tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá. Xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu trong ngành Giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia; Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và Bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025”. Khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, giải pháp trí tuệ nhân tạo phù hợp trong giáo dục.
– Tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học.
- Kho dữ liệu số hỗ trợ dạy học trực tuyến
– Địa chỉ kho dữ liệu hỗ trợ dạy học trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/day-hoc-truc-tuyen.aspx?ItemID=7497
– Địa chỉ kho dữ liệu của Phòng GDĐT: Mục Tài nguyên tại địa chỉ http://pgdtanhong.edu.vn/tai-nguyen/.
– Tạo nguồn dữ liệu
+ Các trường xây dựng kho dữ liệu hỗ trợ dạy học trực tuyến trên website/Google Drive/youtube của đơn vị chậm nhất ngày 30 tháng 9 năm 2023.
+ Các trường chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi ôn tập theo từng chương cho tất các môn (trừ môn Thể dục), ngân hàng đề kiểm tra giữa học kỳ I, học kỳ I, để kiểm tra giữa học kỳ II, học kỳ II và đăng tải trên trang website, tài nguyên dạy học của đơn vị chậm nhất ngày 28 hàng tháng để giáo viên, học sinh tham khảo, học tập và khai thác sử dụng. Đồng thời gửi file về Phòng GDĐT để tạo nguồn dữ liệu tham khảo.
+ Khuyến khích các trường thực hiện việc ghi hình (hoặc ghi lại) các tiết dạy để đăng tải trên website, trên kênh Youtube (để chế độ không công khai) nhằm chia sẻ nội bộ và trên các kênh tài nguyên dạy học, phần mềm dạy học của đơn vị để giáo viên, học sinh tham khảo, học tập và khai thác sử dụng. Đồng thời gửi file ghi hình về Phòng GDĐT để tạo nguồn dữ liệu tham khảo.
+ Trong sinh hoạt chuyên môn, khuyến khích việc ghi hình tiết dạy dự giờ hay hoạt động giáo dục và phân tích tiết dạy để tìm ra những điểm hay, cải tiến điểm hạn chế, nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn. Dữ liệu có thể lưu trên kênh cá nhân và nhà trường và gửi về Phòng GDĐT tạo thành kho dữ liệu số đa dạng về sinh hoạt chuyên môn.
- Các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ dạy học trực tuyến
– K12 online, Google Meet, Zoom, Microsoft Teams, Google Classroom, … Ngoài ra còn có các phần mềm, ứng dụng, nền tảng tổ chức (hoặc hỗ trợ) DHTT khác như: SHub Classroom (shub.edu.vn), Ims.vnedu.vn, mschool.mobiedu.vn, zavi.me, Quizizz, Zalo, facebook, onluyen.vn, …
– Các phần mềm, ứng dụng tổ chức kiểm tra đánh giá: azota.vn, Google Forms, Microsoft Forms, admin.taodethi.xyz, …
– Các phần mềm hỗ trợ soạn giảng, trình chiếu: MS Word, MS PowerPoint, Lecture Maker, Adobe Presenter, Latex (Beamer), Camtasia studio, Canva, …
- Tổ chức dạy học trực tuyến[1] (DHTT)
– Về quy mô hoạt động dạy học trực tuyến: 60% trường tiểu học, TH-THCS và THCS thực hiện giảng dạy và học tập trên môi trường số; tỷ trọng nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học.
– Trong điều kiện bình thường, việc dạy học trực tuyến chủ yếu hỗ trợ dạy học trực tiếp. Có nhiều hình thức thực hiện khác nhau:
(1) Giáo viên có thể thiết kế những hoạt động học tập trực tiếp trên lớp bằng các công cụ như padlet, Google Forms, Quizizz, Kahoot, … cho phép học sinh sử dụng điện thoại để tương tác trực tiếp theo hình thức cá nhân hoặc theo nhóm. Giáo viên cũng có thể giao nhiệm vụ dự án học tập, yêu cầu học sinh thực hiện theo nhóm và gửi sản phẩm học tập trực tuyến, trình bày trực tiếp tại lớp kết hợp sử dụng công cụ trực tuyến để hỗ trợ.
(2) Giáo viên giao nhiệm vụ học tập cho học sinh ngay tại lớp học và cho phép học sinh sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin trực tuyến hoàn thành nhiệm vụ. Giáo viên cho phép và quản lí học sinh để đảm bảo rằng học sinh chỉ sử dụng điện thoại vào đúng mục đích học tập trên lớp theo nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao, không dùng vào mục đích khác.
(3) Giáo viên sử dụng các công cụ trực tuyến để thống kê, phân tích, quản lí hoạt động học tập trên lớp và tự học của học sinh tạo thành hồ sơ học tập nhằm hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kì. Trên cơ sở đó, giáo viên có những điều chỉnh về phương pháp, cách tiếp cận đa dạng phù hợp từng cá thể học sinh. Giáo viên có thể thực hiện kiểm tra đánh giá kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến[2] theo quy định, tùy theo điều kiện cơ sở vật chất có sẵn của nhà trường.
(4) Nhà trường tạo một kênh Youtube chung của đơn vị, khuyến khích giáo viên tạo kênh của nhân. Giáo viên thực hiện ghi hình hoặc ghi màn hình lại toàn bộ tiết dạy thành video, hoặc ghi tóm tắt các nội dung chính của tiết dạy thành một clip thật ngắn gọn, đầy đủ và tải các nội dung lên kênh Youtube hay công cụ chia sẻ video khác (để ở chế độ chia sẻ không công khai), chia sẻ đường liên kết đến nhóm lớp học sinh nhằm phục vụ việc tự học của học sinh và sinh hoạt chuyên môn. Đây là một cách xây dựng kho học liệu số của nhà trường.
– Trong trường hợp lớp có học sinh bệnh hay vì lí do khác phải vắng học trên lớp thì giáo viên tiến hành dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến (có sự chuẩn bị từ trước). Giáo viên dạy trực tiếp trên lớp và sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến, chia sẻ liên kết để học sinh không học trực tiếp có thể tham gia trực tuyến tiết học.
– Dạy học trực tuyến có thể thực hiện đối với các tiết ngoài giờ lên lớp, tiết ôn tập, bồi dưỡng học sinh giỏi, phong trào, hội thi, phụ đạo học sinh còn hạn chế. Giáo viên sử dụng ngân hàng câu hỏi ôn tập hay ngân hàng đề kiểm tra không chính thức để tổ chức ôn tập cho học sinh khi dạy học trực tuyến (có thể dùng hình thức trực tuyến mời phụ huynh học sinh tham gia tiết sinh hoạt chủ nhiệm và họp phụ huynh học sinh)
– Thực hiện nội dung dạy học trực tuyến theo kế hoạch giáo dục nhà trường đúng với kế hoạch thời gian năm học theo hướng dẫn, bảo đảm tổng số tiết/năm học theo quy định. Kế hoạch dạy học của các môn học, hoạt động giáo dục ở từng khối lớp được bố trí phù hợp trong từng giai đoạn và cả năm học. Các trường chủ động bố trí thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây quá tải đối với người học (không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường). Chỉ đạo mỗi giáo viên xây dựng Kế hoạch dạy học trực tuyến hoặc dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp ít nhất 02 tiết/tháng (trừ giáo viên môn Giáo dục thể chất).
– Tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến bằng cách sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến nêu trên phải bảo đảm sự tương tác tích cực giữa giáo viên và học sinh với nhau, tránh gây nhàm chán hay truyền tải một chiều; giáo viên cung cấp học liệu cho học sinh, tổ chức và quản lý quá trình học tập của học sinh, sự tương tác giữa học sinh với học sinh, giữa học sinh với giáo viên trong suốt quá trình dạy học.
– Xây dựng kế hoạch tổ chức DHTT chi tiết, rõ ràng (nội dung dạy học, hình thức dạy học, phần mềm dạy học, phương án tổ chức dạy học, tổ chức kiểm tra đánh giá, phân công trách nhiệm rõ ràng, nội quy học tập trực tuyến…); thiết lập và hướng dẫn ghi sổ đầu bài, xây dựng thời khóa biểu dạy học, phân công giáo viên dạy học; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên, học sinh sử dụng phần mềm dạy học; chỉ đạo các tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục môn học thống nhất, kế hoạch bài học phù hợp với thời lượng, nội dung dạy học.
* Lưu ý: Tổ chức các tiết học, giờ học trực tuyến không kéo dài liên tục nhiều tiết; bố trí thời gian nghỉ giữa các tiết học hợp lý, hạn chế xếp tiết đôi. Khi xếp thời khóa biểu dạy học 2 buổi/ngày cho một lớp, mỗi buổi không xếp quá 02 tiết dạy học trực tuyến hoàn toàn để đảm bảo an toàn, sức khỏe, tâm sinh lý cho người học khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi, đảm bảo không gây quá tải cho giáo viên, học sinh, tránh tình trạng học sinh vừa học vừa sạc điện thoại.
– Công tác quản lý, bảo đảm an toàn lớp trực tuyến: Tổ chức, quản lý và triển khai các hoạt động DHTT; theo dõi và quản lý quá trình học tập của học sinh; quản lý nội dung học tập; tổ chức lưu trữ và chuyển tải nội dung học tập đến học sinh; trang bị phần mềm, công cụ hỗ trợ soạn giảng cho giáo viên; phối hợp với cha mẹ học sinh quản lý giờ học của học sinh theo quy định; đánh giá thái độ, sự chuyên cần của học sinh trong quá trình học tập trực tuyến; quản lý giờ dạy của giáo viên phải chặt chẽ, khoa học, hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả, có đầy đủ minh chứng về việc tổ chức DHTT; phân công cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm các lớp tăng cường công tác dự giờ, kiểm tra, giám sát hoạt động giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh; tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình học tập qua internet và đảm bảo an ninh, an toàn trong DHTT theo quy định.
– Tăng cường cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật DHTT để bảo đảm chất lượng, hiệu quả việc tổ chức DHTT (mua sắm bảng điện tử, camera, máy tính, phần mềm…). Chủ động nghiên cứu khai thác sử dụng phần mềm DHTT hiện có, đồng thời đề xuất mua sắm, trang bị phần mềm, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hình thức tổ chức DHTT trong thời gian tới.
– Chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phối hợp với cha mẹ học sinh quản lý học sinh trong giờ học trực tuyến; tham gia đánh giá thái độ học tập, sự chuyên cần của học sinh, đánh giá hiệu quả của các hình thức tổ chức dạy học.
- Về triển khai mô hình dạy học STEM/STEAM
– 40% trường tiểu học, TH-THCS và THCS có triển khai giảng dạy áp dụng mô hình giáo dục STEM/STEAM với 30% học sinh tham gia, ưu tiên các địa bàn xây dựng nông thôn mới.
– Tổ chức hoạt động STEM bậc học mầm non và cấp tiểu học tại Công văn số 1298/PGDĐT ngày 05 tháng 8 năm 2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện Công văn số 1254/SGDĐT-GDMNTH, ngày 28 tháng 8 năm 2023 của Sở Giáo dục và Đào tạo.
– Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học và Ngày hội STEM năm học 2023 – 2024 tại Kế hoạch số 1331/KH-PGDĐT ngày 11 tháng 9 năm 2023 của Phòng Giáo dục và Đào về việc hướng dẫn triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học và Ngày hội STEM năm học 2023 – 2024.
- Hồ sơ sổ sách điện tử: Các loại hồ sơ sổ sách được quy định tại hướng dẫn của các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo[3]
– 80% hồ sơ công việc được giải quyết trên môi trường số (không bao gồm các loại hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).
– Từ năm học 2023-2024, căn cứ vào điều kiện thực tế các nhà trường được phép triển khai quản lý trên nền tảng công nghệ thông tin (hồ sơ điện tử thay hồ sơ giấy) đối với các loại hồ sơ sau:
+ Đối với nhà trường: Sổ theo dõi và đánh giá học sinh theo lớp (Sổ điểm lớp), sổ học bạ, sổ đăng bộ.
+ Đối với tổ chuyên môn: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học), Kế hoạch hoạt động chuyên môn; Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.
+ Đối với giáo viên: Kế hoạch bài dạy (giáo án), Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.
– Các loại hồ sơ còn lại theo Điều lệ nhà trường quản lý theo hồ sơ giấy, hồ sơ điện tử hoặc song song cả hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử tùy theo điều kiện của nhà trường và khả năng thực hiện của giáo viên. Các trường báo cáo và đăng ký việc sử dụng quản lý hồ sơ điện tử về Phòng GDĐT chậm nhất ngày 30 tháng 9 năm 2023.
– Hiệu trưởng các trường duyệt Kế hoạch bài dạy (giáo án) điện tử bằng chữ ký số hàng tháng.
- Thư viện điện tử: Triển khai hiệu quả hệ thống thư viện điện tử (bao gồm phần mềm quản trị thư viện và cơ sở dữ liệu số hóa sách và tài nguyên phục vụ dạy học), kết nối liên thông với các kho học liệu số, chia sẻ tài nguyên số hóa giữa các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên.
- Thanh toán không dùng tiền mặt: Tiếp tục thực hiện Công văn số 425/PGDĐT ngày 29 tháng 3 năm 2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Hồng về việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thu học phí.
Trên đây là hướng dẫn công tác chuyển đổi số trong các trường mầm non, tiểu học, TH-THCS và THCS năm học 2023-2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Hiệu trưởng các trường triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị liên hệ với Phòng GDĐT để trao đổi, thống nhất thực hiện./.
Nơi nhận:
– Như trên; – Lãnh đạo Phòng GDĐT; – Chuyên viên Phòng GDĐT; – Lưu: VT, Luận. |
KT. TRƯỞNG PHÒNG PHÓ TRƯỞNG PHÒNG
Đặng Thành Nam |
[1] Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
[2] Điều 7, Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông.
[3] tại Điều 21 của Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày 04/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Ban hành Điều lệ trường tiểu học; Điều 21 của Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; Điều 21 của Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT Ban hành Điều lệ trường mầm non.